Công văn 89/HHVT-TV ngày 19/8/2020 Góp ý Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ
Góp ý vào dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ
Link tải văn bản về: https://drive.google.com/file/d/1YdBcWbL1eQRW3XFgUC2-v_J4e60uP0-y/view?usp=sharing
HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ
VIỆT NAM
Số: 89 /HHVT-TV
V/v: Góp ý vào dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 19 tháng 8 năm 2020 |
Kính gửi: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Nghiên cứu dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an trình Chính phủ theo văn bản số 2809/BCA-C08 ngày 15 tháng 8 năm 2020, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (Hiệp hội) có một số ý kiến tham gia, kiến nghị như sau:
1. Điều 7. Quy tắc chung; Khoản 6 dự thảo là: “Thời gian lái xe của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải không được vượt quá 10 giờ trong ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ”
Hiện nay, lực lượng lái xe kinh doanh vận tải chỉ chiếm 20 ÷ 25% trong tổng số xe ô tô hoạt động trên đường. Việc điều khiển phương tiện trong thời gian dài làm cho người lái xe mệt mỏi đều tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông dù là lái xe kinh doanh hay không kinh doanh vận tải. Vì vậy, đề nghị điều chỉnh quy định này theo hướng áp dụng chung cho tất cả các lái xe ô tô như quy định hiện hành tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
2. Điều 18. Dừng xe, đỗ xe; tại điểm a Khoản 6 dự thảo là: trên đường phố, phương tiện chỉ được phép đỗ xe tại những nơi quy định. Và tại điểm d quy định lộ trình thực hiện quy định này là từ 01/01/2025.
Hiệp hội nhận thấy quy định như trên là không hợp lý vì sẽ phát sinh nhiều phức tạp, chi phí tốn kém cho việc thiết lập biển báo, và sẽ khó khăn cho người thực hiện.
Đề nghị quy định theo hướng chỗ nào quy định không được đỗ thì có biển cấm (hoặc cấm theo giờ), chỗ nào không có biển cấm thì được đỗ như quy định hiện hành.
3. Điều 34. Tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông; tại Khoản 1. “Tốc độ tối đa cho phép tham gia giao thông trong khu đông dân cư (trừ đường cao tốc) đối với ô tô, mô tô không vượt quá 50km/h”; tại Khoản 3. “Tốc độ tối đa cho phép tham gia giao thông ngoài khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc), trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa, đường một chiều có một làn xe cơ giới đối với ô tô, xe mô tô không vượt quá 60km/h”. Đây là hai nội dung ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động vận tải ô tô, Hiệp hội kiến nghị cụ thể như sau:
Đề nghị không nên đưa quy định cụ thể về tốc độ tối đa cho phép tham gia giao thông đối với xe ô tô vào Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, mà nên quy định các nội dung cụ thể này vào các văn bản dưới Luật (Nghị định, Thông tư), vì các lý do sau đây: Quy định về tốc độ tối đa cho phép tham gia giao thông đối với ô tô là vấn đề nhạy cảm liên quan đến công tác đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời liên quan đến hiệu quả trong hoạt động vận tải, hiệu quả khai thác hệ thống đường bộ và luôn phải phù hợp với sự phát triển của hạ tầng giao thông đường bộ, khi hạ tầng giao thông tốt lên thì tốc độ tối đa cho phép cũng phải nâng lên tương ứng, nếu đưa nội dung này vào Luật sẽ rất khó sửa đổi bổ sung vì mỗi khi muốn thay đổi một nội dung nào đó trong Luật vì phải thông qua Quốc hội.
Về quy định cụ thể, Hiệp hội đề nghị quy định hạn chế tốc độ tối đa cho phép ô tô tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc) đối với ô tô là 50km/h trong thời gian từ 5 giờ đến 22 giờ; ngoài thời gian trên, ô tô được hoạt động bình thường. Quy định như trên là phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn giao thông, vừa đảm bảo hiệu quả cho hoạt động vận tải, bảo vệ môi trường, vừa có tác dụng điều tiết lưu lượng phương tiện hoạt động về ban đêm, qua đó giảm ùn tắc giao thông về ban ngày.
Với nội dung quy định tại khoản 3: “tốc độ tối đa cho phép tham gia giao thông ngoài khu đông dân cư (trừ đường cao tốc) trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa; đường một chiều có một làn xe cơ giới đối với xe ô tô, mô tô không vượt quá 60 km/h” là không phù hợp, vì hiện trạng mạng lưới đường bộ ở nước ta chủ yếu vẫn là đường không có dải phân cách giữa, nếu quy định như dự thảo thì tốc độ lưu thông của phương tiện trên toàn bộ hệ thống đường bộ sẽ bị hạn chế đáng kể, mức tiêu hao nhiên liệu tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, hiệu quả hoạt động vận tải giảm, và giảm hiệu quả đầu tư vào việc nâng cấp các tuyến đường. Đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành là không quá 80km/giờ là hợp lý.
4. Điều 40. Điều kiện tham gia giao thông đường bộ; Tại Khoản 1 dự thảo là: “1. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật theo quy định của pháp luật.”
Đề nghị bổ sung điều kiện về “bảo vệ môi trường” vào sau điều kiện về an toàn kỹ thuật.
5. Điều 46. Giấy phép lái xe; Đề nghị sửa lại Khoản 2 theo hướng phân hạng Giấy phép lái xe phù hợp với công ước Viên mà Việt Nam đã tham gia.
Kính đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Công an (b/c),
- Bộ Giao thông vận tải (b/c),
- Bộ Tư pháp (b/c),
- Tổng Cục đường bộ Việt Nam (để phối hợp),
- Cục Cảnh sát Giao thông (để phối hợp),
- Đăng website hiệp hội;
- Lưu văn thư. |
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Quyền |
-
08-2020GIẢM PHÍ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ THU TRÊN ĐẦU PHƯƠNG TIỆN
-
08-2020THÔNG BÁO TIN BUỒN
-
07-2020Giới thiệu thanh gốm - Plaumai Eco
-
06-2020THÔNG BÁO TIN BUỒN
-
06-2020Phúc đáp văn bản số 7687/BTC-CST ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Bộ Tài chính
-
06-2020Đề nghị giải quyết một số bất hợp lý, khó khăn trong thực hiện Hiệp định vận...
-
06-2020BÁO CÁO HỘI NGHỊ BAN THƯỜNG VỤ MỞ RỘNG TẠI SAPA
-
06-2020Giới thiệu doanh nghiệp, doanh nhân tham gia Diễn đàn “Doanh nghiệp ASEAN + 3...
-
05-2020Công văn 48/CV-HHVT về việc tham gia ý kiến dự thảo Luật GTĐB
-
05-2020Thông báo số 170/TB-BGTVT ngày 6/5/2020