Công tác bảo đảm trật tự ATGT 5 tháng đầu năm 2014 và sơ kết 6 tháng thực hiện công điện số 1966/CĐ-TTg về tăng cường kiểm soát trọng tải xe trên đường bộ

Thứ Năm, 29/05/2014, 10:00

Tham luận tại cuộc họp: ”Công tác bảo đảm trật tự ATGT 5 tháng đầu năm 2014 và sơ kết 6 tháng thực hiện công điện số 1966/CĐ-TTg về tăng cường kiểm soát trọng tải xe trên đường bộ”.

HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ

VIỆT NAM

 

 
 
 

 


Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

 
 
 

 

 

 

Tham luận tại cuộc họp: ”Công tác bảo đảm trật tự ATGT 5 tháng đầu năm 2014 và sơ kết 6 tháng thực hiện công điện số 1966/CĐ-TTg về tăng cường kiểm soát trọng tải xe trên đường bộ”.

 

Để ngăn chặn vấn nạn chở quá tải của xe ô tô phá hoại đường xá gây mất ATGT, Thủ tướng chính phủ có công điện số 95/CĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 20013 và công điện số 1966/CĐ ngày 19 tháng 11 năm 2013 về “tăng cường kiểm soát  tải trọng xe trên đường bộ”

Để thực hiện các công điện nêu trên, bộ GTVT lấy năm 2014 làm năm ATGT với chủ đề “siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”.

Nắm bắt được các chủ trương trên. Tại hội nghị BCH mở rộng năm 2013 tổ chức tại TP Huế vào ngày 21 tháng 12 năm 2013 HHVT ô tô VN đã có nghị quyết quán triệt toàn thể hội viên phải thực hiện vận chuyển hàng hóa đúng tải trọng cho phép của xe.

Hiệp hội vận tải ô tô VN nhiệt liện hoan nghênh và thống nhất cao với chủ trương của Chính phủ và Bộ GTVT tăng cường kiểm tra tải trọng xe để giảm dần và tiến tới xóa bỏ tình trạng xe chở hàng quá tải phá hoại đường xá gây mất trật tự ATGT.

Các đơn vị vận tải kinh doanh đứng đắn tử tế rất mong muốn giải quyết bằng được vấn nạn xe chở quá tải, để xác lập lại thị trường vận tải và giá cước vận tải. Từ đó các đơn vị vận tải sẽ không phải thường xuyên đối phó, lo sợ vì rủi ro; giá cước sẽ trở lại thực tế; chi phí tiêu cực sẽ bị giảm thiểu chứ không quá cao và tràn lan như hiện nay.

Hiệp hội vận tải ô tô VN xác định cuộc chiến chống lại vấn nạn chở hàng quá tải không hề đơn giản, mà rất phức tạp cam go và lâu dài. Bởi vì vấn nạn này đã tồn tại gần 30 năm. Đã có nhiều đợt ra quân nhưng không dẹp bỏ được. Để rồi nó lại tồn tại như một lẽ đương nhiên:” vận tải ô tô không chở quá tải thì lỗ, vì giá cước rẻ và chi phí mãi lộ lớn”. Nghiêm trọng có những đoàn xe “Vua” phá hoại đường xá rất hung hãn lại nghênh ngang thách đố cơ quan pháp luật và dư luận xã hội. Tại các địa phương đã hình thành những “nhóm lợi ích” tìm cách đối phó và chống phá chủ trương của Chính phủ và Bộ GTVT về “ siết chặt kiểm tra tải trọng phương tiên”.

Cộng đồng các nhà vận tải làm ăn chân chính nhiệt liệt hoan nghênh và chân thành cảm ơn Bộ GTVT và Bộ Công an trong thời gian qua đặc biệt là từ ngày 01 tháng 04 năm 2014 tới nay đã triển khai các công điện của Thủ tướng Chính phủ khá nghiêm túc, bài bản và quyết liệt. Bước đầu đã thu được những kết quả đáng ghi nhận:

1. Tạo đồng thuận của dư luận xã hội: “phải ngăn chặn vấn nạn chở quá tải” chia sẻ với vận tải khi giá cước vận tải đường bộ tăng do xe chở đúng tải cho phép.

2. Chủ hàng đã chủ động tìm đến vận tải đường sắt, vận tải đường sông để giảm tải cho vận tải đường bộ.

3. Chủ vận tải đã biết tập hợp lại lực lượng thông qua các HHVT ô tô địa phương, để thực hiện không chở quá tải, tháo dỡ những phần gia cố cải hoán  phương tiện để chở đủ tải, tố cáo những hiện tượng tiêu cực trong giới vận tải và lực lượng kiểm tra kiểm soát trên đường tới cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

4. Vấn nạn chở quá tải đã bước đầu bị đẩy lùi, không còn hiện tượng các đoàn xe quá tải ngang nhiên lưu thông trên các quốc lộ.

Tuy nhiên thời gian cuộc chiến này mới diễn ra còn quá ngắn, sự chuẩn bị của các bộ phận thừa hành nhiệm vụ từ trung ương đến địa phương chưa thật chu đáo và tích cực nên đã bộc lộ những bất cập cần giải quyết:

1. Triển khai các trạm cân xe chưa đồng bộ tại khắp các tỉnh thành phố trên toàn quốc. Tới ngày 01 tháng 04 năm 2014 mới có 39/63 (bằng62%), từ ngày 15 tháng 04 băn 2014 mới có 52/63 (bằng 82,5%) địa phương triển khai trạm cân. Trong đó mới có 17 địa phương thực hiện trạm cân hoạt động 24/7 còn lại làm lấy lệ rất hời hợt, chiếu lệ.

2. Sự phối hợp giữa 2 lực CSGT và TTGT ở một số địa phương chưa chặt chẽ, có hiện tượng thoái thác trách nhiệm lại tranh giành quyền hạn của nhau. Không có sự phối hợp giữa ngành hàng, cơ quan hải quan, cơ quan đăng kiểm với vận tải. Sự hỗ trợ chia sẻ quá tải cho đường bộ của đường sắt, đường sông, của các đơn vị xếp dỡ ở ga cảng hầu như không có.

3. Các trạm cân điện tử hay hư hỏng, còn sai số gây bức xúc cho người sử dụng và người bị xử lý.

4. Vị trí đặt trạm cân chưa thuận lợi, chưa hiệu quả để đón bắt các xe chở quá tải đi qua để xử lý. Áp dụng mức phạt hoặc không phạt theo Nghị đinh 171/NĐ-CP và Thông tư 07/BGTVT, 03/BGTVT chưa thống nhất tại các trạm cân trên toàn quốc gây hoang mang cho các chủ vận tải và lái xe.

5. Một bộ phận không nhỏ các đơn vị vận tải và lái xe chưa nhận thức được “ chở đủ tải là quyền lợi và trách nhiệm của vận tải”. Họ vẫn tìm mọi cách chống đối ngày càng tinh vi và quyết liệt tại các trạm cân. Các đối tượng “ cò vận tải” (đầu lậu, thương lái) ép giá chủ hàng và chủ vận tải; các đối tượng “cò dẫn luật” tại các trạm cân để dẫn xe vượt, né trạm cân hoạt động ngày càng tinh vi trắng trợn. Trong khi đó các bộ phận chức năng còn lúng túng chưa có phương án xử lý.

6. Một bộ phận không nhỏ trong lực lượng CSGT-TTGT do phẩm chất kém, không vượt qua được cám dỗ đã nhận tiền mãi lộ để tiếp tay, chỉ đường cho xe quá tải vượt trạm cân, đã vô hiệu hóa một chủ trương lớn hết sức đúng đắn của Nhà nước.

Từ những đánh giá nhận định trên HHVT ô tô VN kiến nghị:

1. Nhà nước đối mới có chế chính sách quản lý vận tải hàng hóa bằng ô tô theo hướng: Tạo điều kiện để các đơn vị tích tụ sản xuất hình thành các đơn vị vận tải vừa và lớn đủ sức cạnh tranh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quản lý để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn giao thông. Thực hiện nghiêm chính các qui định của pháp luật lại nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.

Nhà nước tổ chức sàn giao dịch vận tải hàng hóa bằng ô tô để giá cước công khai và minh bạch hình thành mặt bằng giá cước vận tải mới, đúng với thực tế.

2. Nhà nước có chế tài xử lý các bộ phận có liên quan tới chở quá tải của vận tải ô tô như: chủ hàng, xuất nhập khuẩu ô tô, hải quan, chủ xếp dỡ, môi giới vận tải hàng hóa, các loại “cò” bất hợp pháp …

Nhà nước có chế tài nghiêm khắc hơn nữa đủ sức răn đe để các đơn vị vận tải không dám chở quá tải như: Phạt lũy tiến khi vượt qua các trạm, qua các tỉnh… Nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý phá hoại tài sản quốc gia.

Bộ GTVT có ngay chỉ thị cho các ga, các cảng không xếp dỡ hàng hóa quá tải cho xe ô tô.

3. Hệ thống trạm cân lưu động phải lưu động, đưa vào kiểm tra tải trọng tại nơi xuất phát của hàng hóa là: ga, cảng, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu mỏ… để không cho xe quá tải lưu thông trên đường công cộng. Trạm cân được trang bị khá hiện đại, chính xác có các thiết bị giám sát cả các cán bộ, nhân viên thừa hành nhiệm vụ. Tại các trạm cân này chỉ có lực lượng TTGT thực hiện nhiệm vụ.

Hệ thống trạm cân cố định trên các quốc lộ được trang bị hiện đại, đảm bảo tất cả các xe qua trạm đều được kiểm tra xử lý nghiêm minh. Hạn chế sự can thiệp của con người vào hệ thống này.

4. Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc: Tổng cục ĐBVN, Cục đăng kiểm VN, Cục hàng hải VN, Cục đường sắt VN, Cục đường thủy nội địa VN, các vụ tham mưu của Bộ, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn cho vận tải ô tô về tải trọng được phép chở và chỉ được phép chở sao cho công bằng chính xác, không lãng phí công suất xe. Chỉ đạo thực hiện nghiêm công văn số 4745/BGTV-VT ngày 26 tháng 4 năm 2014 về việc trả lời kiến nghị của Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ thành phố HCM, Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng.

5. Nhà nước có cơ chế tuyển chọn, quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ công chức. Đồng thời cần có chế độ bồi dưỡng đúng mức cho lực lượng CSGT, TTGT để họ không cần nhận tiền mãi lộ. Từ đó họ không dám nhận  tiền mãi lộ. Vì khi bị tố cáo, phát hiện bị xử lý họ sẽ mất nhiều hơn, thậm chí mất hết. Đây là chốt chặn cuối cùng nếu làm nghiêm minh cuộc chiến chống vấn nạn chở quá tải trọng của xe ô tô phá hoại đường xá gây mất ATGT sẽ thành công.

 

 

 

 

 

 

            Khi bài tham luận tại cuộc họp “Công tác bảo đảm trật tự ATGT 5 tháng đầu năm 2014 và sơ kết 6 tháng thực hiện công điện số 1966/CĐ-TTg về tăng cường kiểm soát trọng tải xe trên đường bộ”  được đăng trên báo điện tử “Đại lộ” Hiệp hội vận tải ô tô đã nhận được sự quan tâm của công luận và các nhà vận tải. Nhìn chung đánh giá tham luận đã nói trúng, nói đúng về vấn nạn chở quá tải của xe ô tô.

            Các ý kiến tâm huyết đề xuất thêm các kiến nghị:

1. Đa dạng công tác tuyên truyền và phải dựa vào dân để ngăn chặn vấn nạn  chở quá tải của xe ô tô.

- Cơ quan truyền thông thường xuyên đưa tin biểu dương các tổ chức cá nhân tốt, đồng thời phê phán tố cáo những vụ việc tiêu cực.

- Có các bảng tuyên truyền lớn trên các quốc lộ, tỉnh lộ để mọi người dân quan tâm.

- Công bố công khai các đường dây nóng để mọi người dân biết, kịp thời phản ánh tố cáo những tiêu cực của các tổ chức, cá nhân tới cấp có thẩm quyền để xử lý theo đúng pháp luật.

2. Ứng dụng khoa học kỹ thuật và công tác kiểm tra xử lý.

Nghiên cứu sản xuất thiết bị giám sát tải trọng của xe ô tô. Tất cả các xe ô tô vận tải hàng hóa phải lắp thiết bị này và được kết nối tích hợp dữ liệu về các trung tâm để xử lý vi phạm, có thể phạt nóng hoặc phạt nguội theo quy định.

3. Có chế tài đủ mạnh chặn đứng nạn tiêu cực tại các trạm cân:

- Xử lý trách nhiệm những trạm cân để xe quá tải vượt trạm.

- Cần thiết phải điều tra nếu đủ chứng cớ nhận mãi lộ. Phải xử lý nghiêm minh đúng quy định của pháp luật. Làm được như vậy sẽ chặn đứng tệ nạn tham nhũng vặt của các lực lượng CSGT- TTGT tại các trạm cân.

 

            

Hà Nội ngày 14 tháng 5 năm 2014

                                                                      Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam

http://hiephoivantaioto.vn/UserFiles/Tham%20lu%u1EADn%20t%u1EA1i%20cu%u1ED9c%20h%u1ECDp%20ch%FA%20Thanh.doc



facebook
Xem theo ngày: