Nơi Bác đứng năm xưa

Thứ Tư, 09/05/2012, 10:52

Nhóm tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc tỉnh Hà Giang” được điêu khắc bằng loại đá quý, đứng nghiêm trang, cao vời vợi ngay giữa lòng thành phố, nơi Người đứng năm xưa, nơi Người đã giành tất cả tỉnh thương yêu cho mảnh đất địa đầu.

Ngày hai mươi sáu tháng ba năm một nghìn chín trăm sáu mốt đã trở thành một mốc son lịch sử đối với đồng bào các dân tộc Hà Giang, một ngày đáng nhớ suốt đời, thậm chí là đã truyền hơi ấm cho cả đời con, đời cháu của những người được gặp Bác Hồ tại mảnh đất tột cùng Tổ quốc này. Đó cũng là khát khao, là mơ ước, nguyện vọng của bao thế hệ cháu con ở nơi đây, khi đất nước được trở thành một dân tộc có chủ quyền, có tự do, độc lập, thoát ra khỏi cái “vòng đô hộ” hằng thế kỷ của Thực dân Pháp. Từ những ngày Việt Minh còn trứng nước, bóng dáng người cha già, vị anh hùng dân tộc đã thấp thoáng đâu đó trên mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh này. Người là hình ảnh chân thực nhất của khát vọng tự do, Người mang hạt giống đỏ gieo vào dòng máu quật cường Đại Việt, để làm lên một Điện Biên lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu, Người là linh hồn đất Việt, là cứu tinh cho mỗi dân tộc trên đất nước của Người. Hơn ba mươi triệu đồng bào Việt Nam ngày ấy đã được cái chân lý rạng rỡ bình minh của Người chiếu sáng mà “mang lòng quyết tử giặc nào cũng thua...”.

Vậy mà phải mười sáu năm chờ đợi, gần sáu nghìn ngày chờ đợi, sau ngày “Khai sinh Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà” người dân cực Bắc, đồng bào các dân tộc Hà Giang mới được đón Người, đón ước mơ, khát vọng của chính mình trong cái ước mơ, khát vọng của cả dân tộc. Ngày ấy, vị cha già của dân tộc đã lên thăm mảnh đất mà Người đã gửi gắm “ngàn thương, trăm nhớ” nơi biên giới, nơi có đỉnh Lũng Cú được mệnh danh là chóp nón trên đỉnh đầu đất nước. Một lần nữa, Người mang hơi ấm nhân loại, thắp lên niềm tin trong mỗi trái tim, trong mỗi cuộc đời trên vùng đất, vùng người nơi Cao nguyên đá. Niềm tin ấy, ngọn lửa ấy cứ mãi mãi theo lớp cháu con, truyền hơi ấm qua từng thế hệ, mang lại hạnh phúc cho đồng bào hai hai dân tộc nơi đây. Truyền hơi ấm, thắp lên ngọn lửa niềm tin để họ bám đất, bám rừng, bám đá gìn giữ từng tấc đất ông cha, làm lên những kỳ tích, dưới con đường của Đảng.

          Khát khao, mong muốn không của riêng ai, khi đã là những người con của dòng giống Lạc- Hồng, nhất là thế hệ cháu con hôm nay, mong được nhìn thấy Bác vẫn đứng mãi nơi đây. Vẫn mãi mãi thấy Người đưa bàn tay nhân ái vẫy gọi đồng bào, vẫn nghe tiếng Người mỗi một mùa hoa đại nở, một mùa hoa Người đã trồng cây, vun gốc, để bây giờ con hít căng lồng ngực hương hoa Người trồng trước thang ba.

Nơi câu hỏi của Người còn mãi mãi âm vang, ấm áp và đầy tình yêu thương mà Người muốn dành cho tất cả: “Đồng bào có nghe rõ tôi nói không? Đồng bào có cùng Chính phủ quyết tâm xoá nạn đói, nạn mù chữ không?...”

Cây đại Người trồng năm xưa luôn nở trắng mỗi mùa hoa, luôn đưa hương như một lời nhắc nhở. Những người được gặp Bác năm xưa, được nghe tiếng nói Bác Hồ, được ngắm Bác trong cái không gian của núi rừng, trời đất, của gió đầu mùa xuân, của nắng vàng tháng ba ngày ấy, khi có dịp đi qua đây, đều mang trong lòng một ước muốn đến cháy bỏng: Giá như Bác vẫn đứng nơi đây, giá như ngày ấy được đứng gần Bác hơn, được nghe Bác nói rõ hơn...

Và mong ước ấy ngày càng được nhân lên khi đất nước hoà bình, non sông thu về một mối, các dân tộc sống chung dưới mái nhà Việt Nam, đã chung sức, đồng lòng, đánh thắng hai Đế quốc to, là Pháp và Mĩ, như lời Bác dặn. Rồi bước sang thời kỳ “Đổi mới nền kinh tế đất nước”, thực hiện ý nguyện của Người: “...Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn...”, đồng bào các dân tộc Hà Giang đang vững bước trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, tiến vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Khắc ghi lời dạy của Người, đồng bào các dân tộc trong tỉnh Hà Giang đã cùng nhau luôn vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất ngàn đời gian khó. Đã thắng giặc đói, đã quét hết giặc dốt, đã tìm ra những hướng đi đầy khả quan nhất cho một vùng biên cương trong tình người, tình đất. Hình ảnh của Người, lời dạy của Người luôn thôi thúc trong mỗi trái tim, trong mỗi việc làm, cho Hà Giang có một diện mạo hôm nay.

          Theo nguyện vọng ấy, khát khao ấy, để ngọn lửa niềm tin mãi rực cháy trong trái tim người dân cực Bắc và cũng là tình cảm của đồng bào các dân tộc Hà Giang đối với vị cha già dân tộc, một lãnh tụ thiên tài, một danh nhân văn hoá thế giới. Ngày hai mươi sau tháng ba năm hai nghìn không trăm linh một, sau khi Bộ Chính trị cho phép, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt, nhóm tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Hà Giang” được chính thức khởi công. Sân vận động tỉnh năm xưa, nay chính thức mang tên Quảng trường Hai sáu tháng ba, một dấu mốc thời gian, không gian, nơi Người đã đứng nói chuyện với hàng vạn đồng bào Hà Giang, cách ngày khởi công xây dựng đúng bốn mươi bốn năm vẫn dâng đầy khao khát.

          Hạnh phúc biết bao nhiêu, tự hào bao nhiêu khi các đơn vị, cá nhân được giao trọng trách thi công nhóm tượng đài, họ đã dốc toàn bộ công sức, trí tuệ thể hiện lòng tôn kính với Bác Hồ, để hôm nay ngay giữa lòng thị xã Cao nguyên, bên dòng sông Lô lịch sử, chúng ta tự hào là luôn luôn có Bác.

Tác giả Nguyễn Phú Cường khi ấy đang là Vụ phó Vụ Mĩ thuật, Bộ Văn hoá- Thông tin được vinh dự  thể hiện nhóm tượng đài đầy quan trọng này, nhưng cũng là một trọng trách quá lớn với một nghệ sĩ điêu khắc, dù rằng ông đã có nhiều thành công trong những tác phẩm thể hiện tượng đài lãnh tụ của mình. Nguyễn Phú Cường đã bỏ ra nhiều thời gian, công sức, trí tuệ để thu thập thông tin, hình ảnh, nghiên cứu kỹ những chi tiết dù là nhỏ nhất trong ngày Bác Hồ lên thăm Hà Giang. Nhất là hình ảnh Bác đứng trên kỳ đài nói chuyện với đồng bào, hình ảnh người dân đón nhận những câu hỏi, những lời dạy của Người. Ông cũng đã tìm gặp nhiều nhân chứng, nhiều người được gặp Bác tại thành phố Hà Giang hôm ấy, để tìm lại những kỷ niệm khó phai mờ trong mỗi tấm lòng nhớ Bác. Điều làm cho Nguyễn Phú Cường càng trở lên tự tin hơn, vững chãi hơn, đó là gặp bất cứ một nhân chứng nào trong cái ngày lịch sử ấy, họ đều nhớ tất cả rất rành rẽ, như sự việc vừa mới đến hôm qua.

Rồi sau nhiều lần hội thảo, tham khảo ý kiến, nhóm tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Hà Giang” của Nguyễn Phú Cường đã được thực hiện. Ông bảo: “Không có gì hạnh phúc hơn, sung sướng hơn là được thể hiện hình ảnh Bác Hồ, đó là tượng đài không chỉ dừng lại ở tính nghệ thuật cao mà nó còn thể hiện lòng tôn kính của cả một dân tộc đối với Bác và mỗi khi được thể hiện hình ảnh Bác có lẽ cũng là đỉnh cao nhất trong đời sáng tác của tôi. ”.

Những ngày tiến hành trạm khắc nhóm tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Hà Giang” tại xưởng Mỹ thuật trạm khắc đá Hoàn Hảo, Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình là những ngày ông bận rộn nhất. Có những lúc đêm đã khuya, sau khi làm xong những công việc ở cơ quan, ở gia đình, Nguyễn Phú Cường lại vội vàng lên xe về xưởng đá. Cũng không thiếu những đêm không ngủ, ông cứ đi lại như con thoi, rồi đứng im lạng hàng giờ đồng hồ bên cạch những phiến đá được những người thợ điêu khắc đang đục đẽo dở dang. Hình tượng Bác Hồ, hình tượng các dân tộc Hà Giang và nhất là cái tâm linh, cái linh hồn của tượng, cái tình cảm của Người dành cho mảnh đất địa đầu dần dần hiện lên trong ông, dần hiện ra qua những ngày lao động đầy cảm hứng qua từng thớ đá. Trước khi hạp tượng, Nguyễn Phú Cường đã lên Hà Giang gần một tháng trời, trực tiếp tay cầm búa, cầm đục để sửa chữa những chỗ chưa thật sự theo ý tưởng của mình.

          Luôn đồng hành cùng Nguyễn Phú Cường là mười năm Nghệ nhân của xưởng Mỹ thuật trạm khắc đá Hoàn Hảo, họ đã làm việc miệt mài ngày đêm, cũng không ít đêm họ đã cùng Nguyễn Phú Cường thức trắng. Nghệ nhân Đỗ Văn Lễ có mặt từ ngay những ngày đầu “khởi khắc”, đến ngày cuối cùng khi cắt băng khánh thành, anh cho biết: “...Ngay những ngày đầu xưởng Hoàn Hảo được nhận thi công nhóm tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Hà Giang” này, anh em đã thức suốt đêm không ngủ. Không phải đây là lần đầu tiên được trạm khắc hình ảnh Bác Hồ trên chất liệu đá, mà xưởng Hoàn Hảo đã thi công rất nhiều tượng đài về Bác. Xưởng đã thi công tượng đài Bác ở Nghệ An, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bắc Ninh, Cao Bằng rồi tượng đài Quyết Tử, tượng đài Lao Động ở Hà Nội và đang thi công tượng đài Chủ tịch Cayxoỏn Phongvihan cho nước bạn Lào anh em. Nhưng thật là ý nghĩa, khi được thi công tượng đài Bác Hồ ở Hà Giang, một công trình trên đỉnh cao nhất nơi cực Bắc Tổ quốc...”

          Ngay dưới chân công trình, tôi được ngồi nói chuyện với các nghệ nhân trạm khắc đá trong lúc giải lao, áo ai cũng ướt sũng mồ hôi, dưới cái nắng chiều cao nguyên gay gắt. Nghệ nhân Nguyễn Văn Sơn, Đỗ Đình Hiếu, Vũ Huy Hiền, Nguyễn Văn Giáp, Nguyễn Văn Lập…mỗi người đều để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc về nghề, về những ý nghĩa thật sâu xa khi được góp công sức, trí tuệ của mình để làm lên tượng đài lãnh tụ, những tượng đài chiến thắng. Các anh đều rất tự hào khi được chọn vào nhóm nghệ nhân thực hiện công trình đầy ý nghĩa, mang tầm cao dân tộc này. Qua câu chuyện, tôi được biết: Khi bắt đầu thi công nhóm tượng đài “Bác hồ với các dân tộc Hà Giang” bằng chất liệu đá được chọn tại Ninh Bình, nhưng sau đó đá được mang về có nhiều gân, khi tạc tượng đài không đồng màu, nên đơn vị lại phải chuyển sang lấy đá tại Thanh Hoá. Đó là những công đoạn không mấy dễ dàng đối với một xí nghiệp, nhưng đó cũng là thể hiện tình cảm đối với Bác Hồ. Anh em trong đơn vị đã tập trung cao độ thời gian để vận chuyển vật liệu, để thực hiện việc trạm khắc, hoàn thành công việc được giao.

          Cũng như xưởng Mỹ thuật trạm khắc đá Hoàn Hảo, Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, xí nghiệp Tuyến Minh, thị xã Hà Giang được chỉ thầu thi công phần chân móng và đế bệ tượng đài. Là một xí nghiệp xây dựng tại địa phương, nhiều năm qua đơn vị đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung của tỉnh nhà. Chị Nguyễn Thị Minh là giám đốc công ty bảo: “Có lẽ chẳng có niềm vui nào hơn, sung sướng nào bằng hôm được chỉ thầu công trình này. Một công trình khối lượng thì không quá lớn, trị giá công trình cũng không cao, nhưng giá trị văn hoá, ý nghĩa chính trị thì có lẽ chưa bao giờ tôi dám nghĩ tới…”. Chị đã bàn bạc thật kỹ lưỡng với anh em trong xí nghiệp, chọn người phụ trách thi công vừa có trình độ chuyên môn, vừa phải có kinh nghiệm xây dựng, chọn những công nhân có tay nghề cao để thực hiện công việc. Xí nghiệp đã kiên quyết loại bỏ những vật liệu, như sắt thép, xi măng, cát, sỏi, đá kém chất lượng, không đủ tiêu chuẩn, không đúng chủng loại.

Bên cạnh đó, xí nghiệp Tuyến Minh cũng sẵn sàng thực hiện những công việc ngoài gói thầu, như việc mua mới ba nghìn met vuông cỏ Nhật, thay thế các ô cỏ cũ, hàng trăm cây cảnh các loại. Xí nghiệp cũng làm mới, lát đá sân chính diện, làm mới cổng vào, cải tạo, trồng mới toàn bộ các ô trồng cỏ. Không những thế, xí nghiệp luôn luôn bị động, bởi những thiết kế còn có nhiều sự thay đổi. Rồi khi tiến hành thi công, lớp địa tầng không giống như khảo sát ban đầu, mà đã có tới ba lớp địa tầng khác nhau, gây không ít khó khăn cho việc thi công. Để bảo đảm tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình và sự thay đổi chất liệu, nguyên liệu xây dựng, đơn vị đã tiến hành thi công cả ba ca trong ngày, tăng số lao động, số cán bộ, kỹ sư và thiết bị máy móc phục vụ thi công lên gấp hai lần so với dự kiến.

Đặc biệt khi đào xuống tới mặt nền ổn định thì xuất hiện nhiều dẫy hang Cattơ, xí nghiệp lại phải tăng chi phí cọc móng, tăng diện tích đế móng để bảo đảm công trình. Biết rằng nhóm tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Hà Giang” bằng chất liệu đá quý Thanh Hoá, có chiều cao cả bệ đế là mười một mét bẩy chín và có bề ngang là mười một mét ba mươi, riêng phần đá, chưa kể bệ móng, nhóm tượng đài đã nặng trên ba trăm tấn.

Đúng chín giờ sáng ngày mười chín tháng bẩy năm hai nghìn không trăm linh năm, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã cùng với các nghệ nhân của Xưởng Mỹ thuật trạm khắc đá Hoàn Hảo, dâng lễ “Hạp tượng”. Đó cũng là giờ phút linh thiêng nhất, khi hình ảnh Bác Hồ đứng giữa lớp cháu con là đồng bào các dân tộc Hà Giang. Nơi Người đứng năm xưa, nơi Người hỏi đồng bào có nghe rõ lời Người nói không, nơi bàn tay người bắt nhịp Bài ca kết đoàn, hôm nay với nhóm tượng đài Người với các dân tộc Hà Giang vút cao, dưới trời xanh ấm áp.

Bác Hồ ơi, cây đại Người trồng còn đó, mùa hoa đại như lời Người vẫn mãi mãi toả hương nơi đây. Bác là non sông, là đất nước, là hồn thiêng sông núi, để năm Hai nghìn linh năm, đúng bốn bốn năm, ngày Người đến nơi này, trải qua sáu mươi mùa xuân đất nước, đồng bào hai hai dân tộc Hà Giang lại được đón Bác về. Nơi Người đứng năm xưa, nơi Người đứng hôm nay, nơi bàn tay Người vẫy gọi, nơi giọng nói của Người luôn ấm áp tựa mùa xuân, để hai hai dân tộc Hà Giang đang học tập và làm theo lời người căn dặn.



facebook
Xem theo ngày: