Xem xét tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe

Thứ Hai, 20/04/2020, 11:06

Công văn số 34/CV-HHVT về việc Xem xét tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe

 

HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ

VIỆT NAM

 
 
 

 


Số: 34 /CV-HHVT

V/v Xem xét tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 
 
 

 


                      Hà Nội, ngày  20  tháng 4 năm 2020

 

 

 

 

Kính gửi: Bộ Giao thông Vận tải.

 

Chi hội Đào tạo – Sát hạch lái xe được thành lập theo Quyết định số 43/QĐ-HHVT ngày 15/5/2019 về việc: “Thành lập Chi hội Đào tạo - Sát hạch lái xe” thuộc Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam; ngày 6/12/2019, Chi hội Đào tạo – Sát hạch lái xe tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2019, phương hướng hoạt động năm 2020. Hội nghị đã thống nhất đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải xem xét tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trên toàn quốc phát triển ổn định, nhằm đáp ứng nhu cầu học và sát hạch lấy GPLX của nhân dân và yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể như sau:

1. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét bỏ tiêu chuẩn đối với giáo viên dạy thực hành lái xe bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học để cho phù hợp với thực tế, tránh lãng phí xã hội..

* Lý do để đề nghị: Trong thực tế giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô chỉ là người truyền kỹ năng thực hành lái xe cho học viên, các phần kiến thức cơ bản khác đều do đội ngũ giáo viên có đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định đảm nhiệm.

- Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành Thông tư số 20/2019/TT-BGDĐT, ngày 26 tháng 11 năm 2019 về việc “Bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định số 30/2008/BGDĐT, ngày 06/6/2008 về Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp Chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên”.

2. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải kiến nghị với Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh mức thu lệ phí sát hạch lái xe ô tô tăng từ 1,3 – 1,5 lần so với hiện nay.

* Lý do đề nghị:

- Theo quy định tại Thông tư số 24/2004/TT-BTC, ngày 26/3/2004 thì mức thu phí sát hạch lái xe ô tô không được vượt quá 600.000 đồng (hiện đang thực hiện là 585.000đ), trong đó nộp 135.000 đồng lệ phí cấp Giấy phép lái xe, các cơ sở sát hạch  lái xe được trích lại tối đa là 80% = 450.000đồng.   

- Theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước thì các cơ sở sát hạch lái xe phải đầu tư nhiều phương tiện, máy móc, thiết bị mới (bổ sung bài thi thực hành trong TTSH, trang bị camera và cabin tập lái mô phỏng…).

Nếu tiếp tục duy trì mức thu theo Thông tư số 24/2004/TT- BTC thì không còn phù hợp nữa vì Thông tư số 24/2004/TT - BTC đã thực hiện được 16 năm, các cơ sở sát hạch lái xe ô tô không có kinh phí để tái đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ cho sát hạch lái xe ô tô.

3. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét giải quyết:

- Đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo cho thực hiện thí điểm tại một số cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe đối với việc đầu tư cabin tập lái mô phỏng, thiết bị quản lý học viên bằng vân tay, camera…. Sau đó rút kinh nghiệm, đánh giá kết quả thí điểm, nếu thấy thực sự hiệu quả thì mới cho triển khai đại trà trên toàn quốc để tránh lãng phí đầu tư xã hội.

- Đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo có lộ trình để các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe ô tô đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo, sát hạch lái xe (cabin tập lái mô phỏng, hệ thống camera lắp trên xe ô tô và phòng học lý thuyết, thiết bị quản lý học viên bằng vân tay…).

* Lý do đề nghị:

- Trước đây một số cơ sở đào tạo lái xe ô tô đã đầu tư cabin điện tử để tập lái nhưng vì không hiệu quả, nên tất cả các cơ sở đào tạo đã loại bỏ từ rất lâu;

- Hiện tại hầu hết các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe ô tô trên cả nước đều rất hạn chế về nguồn lực tài chính, nếu đầu tư đồng bộ cùng một lúc thì không có đủ năng lực về tài chính;

- Theo xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay thì hầu hết các nước chỉ tập trung quản lý chặt đầu ra (công tác sát hạch), chỉ ban hành nội dung, chương trình đào tạo, giao việc quản lý quá trình đào tạo cho các cơ sở đào tạo được chủ động về phương thức đào tạo. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0 và dịch bệnh Covid-19 hiện nay thì việc học lý thuyết có thể tự học ở nhà, không nhất thiết phải học tập trung như hiện nay.

4. Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị với Bộ Y tế xem xét sửa đổi Thông tư quy định về hiệu lực của GKSK nói chung và GKSK của người lái xe nói riêng theo hướng kéo dài thời gian hơn và theo độ tuổi cho phù hợp với thực tế, theo các mức độ tuổi như sau:

- Tuổi từ 30 tuổi trở xuống thì hiệu lực GKSK của người lái xe là 12 tháng;

- Tuổi từ 31 ÷ 40 tuổi thì hiệu lực GKSK của người lái xe là 10 tháng;

- Tuổi từ 41 ÷ 50 tuổi thì hiệu lực GKSK của người lái xe là 08 tháng;

- Tuổi từ 51 tuổi trở lên thì hiệu lực GKSK của người lái xe là 06 tháng;

Đề nghị  Bộ Y tế có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về quy định sức khỏe đối với người khuyết tật có nguyện vọng học lái xe ô tô, hiện rất khó triển khai thực hiện tại các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe ô tô vì chưa có quy định về GKSK của người lái xe cho đối tượng này; Đồng thời cần có cơ sở dữ liệu về GKSK của người lái xe để đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan như Giao thông vận tải, Công an, các cơ sở đào tạo lái xe và đơn vị kinh doanh vận tải…

* Lý do đề nghị:

- Theo quy định tại Thông tư số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT, ngày 21/8/2015 thì Giấy khám sức khỏe nói chung và GKSK của người lái xe nói riêng chỉ có hiệu lực là 06 tháng, với thời gian như vậy là quá ngắn không phù hợp với thực tế, nhất là đối với người học lái xe hạng C, với chương trình học 5,5 tháng, người học nộp hồ sơ sau 1 ÷ 3 tháng mới vào học, sau khi học xong người học lại phải khám sức khỏe rồi mới được sát hạch.

- Theo báo cáo của các cơ sở đào lái xe ô tô trên toàn quốc hiện không triển khai thực hiện được việc đào tạo lái xe ô tô cho người khuyết tật, vì chưa có quy định cụ thể nào về sức khỏe của người khuyết tật được học lái xe ô tô để làm căn cứ thực hiện.

- Hiện nay tình trạng sử dụng GKSK của người lái xe làm giả nhiều, các cơ quan, đơn vị không có cơ sở để xác thực GKSK của người lái xe là thật hay giả.

Rất mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải.

Trân trọng cảm ơn./.

 

 

Nơi nhận:

- Như trên,

- Tổng Cục ĐBVN,

- Website Hiệp hội,

- Lưu VPHH.

 

CHỦ TỊCH

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Văn Quyền

 



facebook
Xem theo ngày: