NGHỊ ĐỊNH 10/2020/NĐ-CP GIẢI QUYẾT NHIỀU VẤN ĐỀ CƠ BẢN TRONG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ

Thứ Sáu, 06/03/2020, 08:39

 

NGHỊ ĐỊNH 10/2020/NĐ-CP GIẢI QUYẾT NHIỀU VẤN ĐỀ CƠ BẢN

TRONG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ

 

 

Qua hơn 5 năm thực hiện Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, ngành vận tải ô tô đã có bước phát triển, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và nhu cầu đi lại của Nhân dân, chất lượng dịch vụ vận tải được nâng cao. Tuy nhiên, trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển, và nền kinh tế đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, trong hoạt động kinh doanh vận tải ô tô phát sinh nhiều mâu thuẫn, bộc lộ nhiều lỗ hổng trong quản lý. Để giải quyết tình hình trên, từ năm 2016, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP.

Qua hơn 3 năm với 12 bản dự thảo, ngày 17/1/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 01/4/2020 thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP.

Nghị định 10/2020/NĐ-CP có nhiều nội dung đổi mới rất cơ bản, được nhận định là sẽ giải quyết được các mâu thuẫn trong ngành vận tải ô tô, tạo sự công bằng trong kinh doanh vận tải ô tô, thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ hỗ trợ dịch vụ vận tải, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về vận tải ô tô. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam với vị trí là hiệp hội ngành nghề, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đơn vị hội viên đã tích cực tham gia trong quá trình xây dựng Nghị định, nhiều ý kiến đề xuất của Hiệp hội đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu đưa vào Nghị định.

Bài viết này xin hệ thống một số nội dung cơ bản, được chế định trong Nghị định 10/2020/NĐ-CP, với hy vọng đáp ứng một phần nhu cầu tìm hiểu về Nghị định của các đơn vị kinh doanh và cán bộ quản lý vận tải để triển khai Nghị định một cách đồng bộ, với các nội dung sau:

Một là: Thời gian qua, việc quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, nhất là trong kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô dưới 9 chỗ; có tình trạng không rõ trách nhiệm của chủ thể kinh doanh vận tải giữa bên chủ phương tiện với đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ kết nối; có nhiều ý kiến cho rằng điều đó gây bất công bằng giữa các đơn vị kinh doanh và gây thất thu ngân sách nhà nước?

Để giải quyết vấn đề trên, Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 (sau đây gọi là Nghị định 10) đã có quy định tại Khoản 2 Điều 3 với nội dung giải thích rõ nội hàm của cụm từ kinh doanh vận tải với nội dung: “2. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lời.”

Quy định trên là cơ sở pháp lý để xác định rõ vai trò chủ thể của đơn vị kinh doanh vận tải trong việc duy trì điều kiện kinh doanh vận tải, tổ chức công tác đảm bảo an toàn giao thông và thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước.

Hai là: Trong quá trình thực hiện Nghị định 86 và cả trong quá trình dự thảo Nghị định 10, có nhiều ý kiến khác nhau về khái niệm: “hợp động vận tải”. Có ý kiến cho rằng có thể hợp đồng “miệng”; có thể chỉ bằng cử chỉ như “gật đầu”; hay “OK” qua app; cũng có ý kiến cho rằng cần có khái niệm thống nhất về hợp đồng vận tải mới có cơ sở để quản lý. Nghị định 10 đã quy định như sau:

- Tại Khoản 2 Điều 7 quy định: “2. Hợp đồng vận chuyển phải được đàm phán và ký kết trước khi thực hiện vận chuyển giữa đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm thuê cả người lái xe”.

- Tại Khoản 3 Điều 7 quy định: “3. Đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng và lái xe:

a) Chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm thuê cả người lái xe); chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết;

b) Không được gom khách, đón khách ngoài danh sách hợp đồng do đơn vị vận tải đã cung cấp; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc người thuê vận tải khác nhau”.

Ngoài ra, đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng còn phải thực hiện các Khoản 4, 5 Điều 7 của Nghị định 10.

Ba là: Nội dung của hợp đồng vận chuyển được quy định như thế nào?

Nội dung của hợp đồng vận chuyển được quy định tại Điều 15 của Nghị định 10 như sau:

“1. Hợp đồng vận chuyển hành khách, hàng hóa (bằng văn bản giấy hoặc điện tử là sự thỏa thuận giữa các bên tham gia ký kết hợp đồng; theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa đến địa điểm đã định theo thỏa thuận, hành khách hoặc người thuê vận tải phải thanh toán cước phí vận chuyển.

2. Hợp đồng vận chuyển hàng hóa, hành khách phải có đầy đủ các nội dung tối thiểu sau:

a) Thông tin về đơn vị kinh doanh vận tải ký hợp đồng: Tên, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế, người đại diện ký hợp đồng;

b) Thông tin về lái xe: họ và tên, số điện thoại;

c) Thông tin về hành khách hoặc người thuê vận tải (tổ chức hoặc cá nhân): Tên, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế (nếu có);

d) Thông tin về xe: biển kiểm soát xe và sức chứa (trọng tải);

đ) Thông tin về thực hiện hợp đồng: Thời gian bắt đầu thực hiện và kết thúc hợp đồng (ngày, giờ); địa chỉ điểm đầu, địa chỉ điểm cuối và các điểm đón trả khách (hoặc xếp, dỡ hàng) trên hành trình vận chuyển; cự ly của hành trình vận chuyển (km); số lượng khách (hoặc khối lượng hàng hóa vận chuyển);

e) Thông tin về giá trị hợp đồng và phương thức thanh toán;

g) Quy định về trách nhiệm của các bên tham gia thực hiện hợp đồng vận chuyển; trong đó thể hiện thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước; quyền, nghĩa vụ các bên vận chuyển, hành khách hoặc người thuê vận tải; số điện thoại liên hệ tiếp nhận giải quyết phản ánh khiếu nại, tố cáo của hành khách, cam kết thực hiện trách nhiệm thực hiện hợp đồng và quy định về đền bù thiệt hại cho người thuê vận tải, hành khách.”

Bốn là: Nghị định 10 có tạo môi trường để đẩy mạnh áp dụng các công nghệ quản lý tiên tiến trong ngành vận tải không?

Nghị định 10 đã có các quy định mở đường đã thúc đẩy việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải như sau:

- Về hình thức hợp đồng vận tải, cho phép sử dụng hợp đồng bằng giấy hoặc hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử.

- Tạo môi trường để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ kết nối vận tải với người có nhu cầu vận tải hàng hóa hoặc hành khách.

- Cho phép doanh nghiệp công nghệ cung cấp dịch vụ hỗ trợ kết nối đồng thời là nhà vận tải nhưng phải đăng ký kinh doanh vận tải, duy trì điều kiện kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước.

- Nghị định cũng quy định các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh vận tải như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Tài chính hình thành cơ sở dữ liệu, trao đổi thông tin qua việc truyền dẫn, trao đổi dữ liệu liên quan để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan này.

Năm là: Nghị định 10 đã có những quy định gì đối với đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải?

Nghị định 10 đã có những quy định đối với đơn vị cung cấp phấn mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải tại Điều 35 với những nội dung chính như sau:

“1. Đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ két nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải) phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan và đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Ghi nhận yêu cầu vận chuyển của khách hàng và chuyển yêu cầu vận chuyển đến đơn vị kinh doanh vận tải đang tham gia trong phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải.

b) Thực hiện vai trò là đơn vị trung gian để xác nhận thực hiện đúng các nội dung đã thỏa thuận giữa đơn vị vận tải với khách hàng, trong đó đảm bảo thực hiện đúng giá cước vận tải đã niêm yết hoặc giá trị hợp đồng đã ký kết; phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải cho đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải đảm bảo tuân thủ theo quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 6 của Nghị định này; phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải cho đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch phải đảm bảo tuân thủ theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 16 của Nghị định này;

c) Ghi nhận đánh giá của khách hàng về chất lượng phục vụ của lái xe để thông tin đến đơn vị kinh doanh vận tải điều chỉnh dịch vụ vận tải đã cung cấp;

d) Đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin đối với các dữ liệu của hành khách, đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe;

đ) Chỉ được cung cấp dịch vụ phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải cho đơn vị kinh doanh vận tải đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; phương tiện đã được cấp phù hiệu, biểu hiện và đảm bảo các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải đối với từng loại hình vận tải theo quy định. Không cung cấp dịch vụ phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải cho đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch sử dụng để xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, bán xe hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; việc cung cấp dịch vụ phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải để đơn vị vận tải thực hiện ký kết hợp đồng điện tử phải đảm bảo tuân thủ quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 7 và Khoản 2, Khoản 3 Điều 8 Nghị định này;

e) Thực hiện lưu trữ toàn bộ lịch sử các giao dịch đã thực hiện trên phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải để phục vụ thanh tra, kiểm tra; thời gian lưu trữ tối thiểu 02 năm.

g) Cung cấp cho cơ quan quản lý danh sách các đơn vị kinh doanh vận tải, xe ô tô và lái xe của các đơn vị vận tải đã hợp tác với đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải hoặc cung cấp tài khoản truy cập vào phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải cho cơ quan quản lý khi có yêu cầu;

h) Phải cung cấp cho đơn vị kinh doanh vận tải giao diện và công cụ để thực hiện được việc trực tiếp điều hành phương tiện và lái xe, đàm phán, quyết định giá cước vận tải với hành khách và người thuê vận tải trên phần mềm;

i) Phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải phải đảm bảo chỉ cho phép lái xe thực hiện nhiều thao tác để nhận chuyến xe khi xe dừng hoặc khi xe đang di chuyển thì lái xe chỉ phải thao tác một nút bấm để nhận chuyến xe;

k) Công bố quy trình giải quyết khiếu nại của khách hàng, có hệ thống lưu trữ các khiếu nại.

2. Trường hợp đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải có thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hàng hóa, hành khách trên đường bộ nhằm mục đích sinh lời phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan và phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại điểm c, điểm d, điểm i, điểm k Khoản 1 điều này.”

Sáu là: Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã chấm dứt việc thực hiện thí điểm theo quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 01 năm 2016, vậy các đơn vị cung cấp phần mềm dịch vụ hỗ trợ kết nối vận tải và các chủ phương tiện đang tham gia vào thí điểm phải chuyển đổi như thế nào cho phù hợp với Nghị định 10?

Theo quy định của Nghị định 10, các đơn vị cung cấp phần mềm dịch vụ hỗ trợ kết nối vận tải và các chủ phương tiện, tùy theo điều kiện của đơn vị được chủ động lựa chọn. Các hình thức hoạt động kinh doanh như sau:

a, Đối với các đơn vị cung cấp phần mềm dịch vụ hỗ trợ kết nối vận tải: xác định đơn vị hoạt động theo loại hình chỉ cung cấp phần mềm dịch vụ hỗ trợ kết nối hay là loại hình vừa cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối và kinh doanh vận tải. Đơn vị lựa chọn mô hình hoạt động theo loại hình nào thì được điều chỉnh theo quy định của Nghị định 10 đối với loại hình đó.

b, Đối với các chủ phương tiện đang hợp tác với các đơn vị cung cấp phần mềm dịch vụ hỗ trợ kết nối có thể lựa chọn theo 1 trong 2 hình thức:

- Chủ phương tiện đồng thời là nhà kinh doanh vận tải, sử dụng hoặc không sử dụng phần mềm dịch vụ hỗ trợ kết nối của nhà cung cấp dịch vụ kết nối. Trong trường hợp tiếp tục sử dụng dịch vụ hỗ trợ kết nối thì giữa chủ phương tiện với bên cung cấp dịch vụ hỗ trợ kết nối cần đàm phán hợp đồng để làm rõ trách nhiệm, quyền lợi của mỗi bên, về nghĩa vụ kê khai và nộp thuế với nhà nước về kinh doanh vận tải do chủ thể kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm.

- Chủ phương tiện không kinh doanh vận tải mà giao cho nhà cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối đồng thời là đơn vị kinh doanh vận tải. Trong trường hợp này giữa chủ phương tiện và nhà cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải đàm phán để ký hợp đồng mới với nội dung là chủ phương tiện cho đơn vị cung ứng dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối thuê phương tiện để kinh doanh; việc duy trì điều kiện kinh doanh vận tải và kê khai và nộp thuế với nhà nước do chủ thể kinh doanh vận tải (trong trường hợp này là đơn vị cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối đồng thời là nhà kinh doanh vận tải) chịu trách nhiệm.

Bảy là: Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải ô tô, Nghị định 10 có quy định về áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và trao đổi dữ liệu phục vụ quản lý hoạt động kinh doanh vận tải giữa Bộ Giao thông vận tải với các bộ ngành có liên quan; nội dung này cụ thể như thế nào?

Nghị định 10 đã quy định rất rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện đối với bộ ngành và các ủy ban Nhân dân cấp tỉnh; trong đó nội dung về áp dụng công nghệ thông tin và trao đổi dữ liệu để phối hợp chặt chẽ trong quản lý được quy định cụ thể là:

a. Đối với Bộ Giao thông vận tải:

- Tại Khoản 3 Điều 23 quy định: “3. Tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Xây dựng hạ tầng công nghệ và quy định việc kết nối, chia sẻ, liên thông toàn bộ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, hình ảnh, ghi, lưu trữ lâu dài từ ca-mê-ra trên xe, đăng kiểm, đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe giữa các cơ quan quản lý nhà nước”.

- Điểm c, Khoản 5 Điều 23 quy định, Bộ Giao thông vận tải quy định và hướng dẫn:

“c, Cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô; cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu hình ảnh từ ca-mê-ra lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải; cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu của tuyến cố định từ phần mềm quản lý bến xe khách; phần mềm quản lý tuyến vận tải hành khách cố định toàn quốc.”

- Khoản 9 Điều 23 quy định: “9. Kết nối, chia sẻ dữ liệu về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe  với Bộ Công an (Cục cảnh sát giao thông), Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) để phối hợp quản lý.”

b. Đối với Bộ Công an:

Khoản 2 Điều 24 quy định: “2. Kết nối chia sẻ thông tin về xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho Bộ Giao thông vận tải phối hợp quản lý.”

c. Đối với Bộ Thông tin truyền thông:

Tại Khoản 3 Điều 27 quy định: “3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải quản lý và hướng dẫn đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải quy định tại Điều 35 Nghị định này.”

d. Đối với Bộ Tài chính:

Tại Điều 30 quy định:

“1. Hướng dẫn đơn vị cung cấp phần mềm, đơn vị kinh doanh vận tải để thực hiện hợp đồng điện tử đối với việc cung cấp thông tin điện tử đảm bảo quản lý chặt chẽ và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ Thuế.

2. Quy định và hướng dẫn việc thực hiện kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử, vé điện từ của các loại hình kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bằng xe ô tô, chia sẻ thông tin cho Bộ Giao thông vận tải để phối hợp quản lý.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành có liên quan đảm bảo nguồn kinh phí duy trì hệ thống xử lý dữ liệu phục vụ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó có hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô”.

đ. Đối với Bộ Công thương:

Tại điều 31 quy định:

“1. Quy định và hướng dẫn về hoạt động dịch vụ thương mại điện tử trong lĩnh vực vận tải.

2. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trong lĩnh vực vận tải.”.

e. Đối với Bộ Kế hoạch đầu tư:

Tại điều 32 quy định: “Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành có liên quan đảm bảo nguồn kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ để phục vụ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó có hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô.”.

Với những quy định như trên, tin rằng các mâu thuẫn, bất cập trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô hiện nay sẽ từng bước được giải quyết; tạo điều kiện để ngành vận tải ô tô phát triển theo hướng an toàn; hiệu quả; hiện đại; và nâng cao chất lượng dịch vụ trong thời gian tới./.

 

 

Nguyễn Văn Quyền

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

 

 



facebook
Xem theo ngày: