Công văn: 14 /HHVT-CV V/v: Đề nghị được tham gia giao ban Báo chí Tháng 11/2018

Thứ Năm, 08/11/2018, 13:52

Với mục đích đảm bảo sự bình đẳng trong hoạt động kinh doanh vận tải, trong quá trình tham gia xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã nghiên cứu, đưa ra những kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan, nhiều ý kiến đã được Ban soạn thảo tiếp thu và chỉnh sửa. Tuy nhiên, còn vấn đề về quản lý kinh doanh vận tải sử dụng công nghệ kết nối như Uber, Grab thì vẫn đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Để làm rõ hơn các căn cứ cho việc sửa đổi Nghị định 86, Hiệp hội xin được báo cáo với Ông một số nội dung sau:

 

  HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ

VIỆT NAM

Số: 14 /HHVT-CV

V/v: Đề nghị được tham gia giao ban

Báo chí Tháng 11/2018

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày  08  tháng 11 năm 2018

 

Kính gửi: Ông Võ Văn Thưởng -  Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

 

         Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam xin gửi tới Ông lời chào trân trọng, lời chúc sức khỏe và xin cảm ơn Ông đã quan tâm tới hoạt động vận tải trong thời gian vừa qua và mong muốn được Ông tiếp tục quan tâm, chỉ đạo trong thời gian tới.

Với mục đích đảm bảo sự bình đẳng trong hoạt động kinh doanh vận tải, trong quá trình tham gia xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã nghiên cứu, đưa ra những kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan, nhiều ý kiến đã được Ban soạn thảo tiếp thu và chỉnh sửa. Tuy nhiên, còn vấn đề về quản lý kinh doanh vận tải sử dụng công nghệ kết nối như Uber, Grab thì vẫn đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Để làm rõ hơn các căn cứ cho việc sửa đổi Nghị định 86, Hiệp hội xin được báo cáo với Ông một số nội dung sau:

1.        Cần xác định đúng bản chất loại hình kinh doanh vận tải của Grab, tạo hành lang pháp lý công bằng để có cạnh tranh lành mạnh.

 Sau thời gian gần 3 năm cho phép Grab thí điểm hoạt động kinh doanh theo loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trên địa bàn 05 tỉnh, thành phố, đến nay cho phép chúng ta nhìn nhận, đánh giá mặt tích cực và tiêu cực của nó.

Về mặt tích cự, khi Grab vào thị trường vận tải Việt Nam đã có tác động thúc đẩy việc áp dụng công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp taxi trong nước, người sử dụng dịch vụ vận tải của Grab được hưởng khuyến mại với giá cước thấp.

Tuy nhiên, việc quản lý và hoạt động của Grab như hiện nay cũng có nhiều điểm tiêu cực. Cụ thể, việc cho phép Grab vào kinh doanh vận tải và xác định Grab là loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với điểu kiện kinh doanh đơn giản hơn rất nhiều lần so với điều kiện kinh doanh taxi trong khi hai chủ thể kinh doanh này cùng chung phân khúc thị trường đã gây bất bình đẳng và mâu thuẫn lớn.

Theo số liệu mà Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam có được thì mức nộp ngân sách Nhà nước bình quân trên một đầu xe của Grab chưa bằng 1% với đơn vị taxi truyền thống trên cùng địa bàn. Nếu đối chiếu với các quy định hiện hành trong luật doanh nghiệp, luật cạnh tranh, danh mục ngành nghề mà Việt Nam còn được bảo lưu khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì Grab đều có vi phạm. Do không có dấu hiệu phân biệt xe không kinh doanh với xe có kinh doanh của Grab nên gây khó khăn cho công tác tổ chức, quản lý giao thông đô thị, tác động xấu đến trật tự an toàn giao thông ở các đô thị.

Vì vậy, nếu Grab chỉ kinh doanh về công nghệ như bán hoặc cho các doanh nghiệp Việt nam thuê phần mềm thì không có gì phải bàn cãi; còn nếu cho phép vào để kinh doanh vận tải như hiện nay thì chưa được phép.

Cụ thể, nếu Grab vào kinh doanh vận tài thì chỉ được phép liên doanh với doanh nghiệp vận tải trong nước với tỷ lệ góp vốn < 49% (theo bảo lưu khi gia nhập WTO của Việt Nam đối với Ngành kinh doanh vận tải đường bộ)

2.        So sánh về điều kiện kinh doanh của taxi truyền thống với Uber và Grab theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT

NHỮNG BẤT BÌNH ĐẲNG VỀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH

TAXI TRUYỀN THỐNG

UBER, GRAB

Niên hạn sử dụng xe 8 năm (tại đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP HCM)

20 năm

Phương tiện 6 tháng phải kiểm định 1 lần

Chu kỳ kiểm định từ 1-2 năm

Lái xe phải học nghiệp vụ, văn hóa kinh doanh, tập huấn, bổ túc tay lái.

Không

Lái xe phải có chứng chỉ tập huấn nghiệp vụ

Không

Lái xe phải mặc đồng phục, đeo bảng tên

Không

Phải đăng ký chất lượng dịch vụ với cơ quan quản lý chuyên ngành

Không

Tính cước bằng đồng hồ

Tính cước bằng ứng dụng

Đồng hồ tính tiền phải được kiểm định

Ứng dụng tính tiền không cần kiểm định

Giá cước ấn định, khi thay đổi phải xin phép

Không ấn định giá, thoải mái tăng giảm

Bắt buộc phải có Bộ phận quản lý, theo dõi an toàn giao thông

Không

Phương tiện trước khi đi kinh doanh phải được kiểm tra các điều kiện về an toàn

Không

Thời gian làm việc của lái xe 8 giờ/ngày, không chạy liên tục quá 4 giờ

Không áp dụng

Phải có bãi đỗ xe phù hợp phương án kinh doanh

Không

Bị cấm lưu thông ở một số tuyến đường

Không

Số lượng bị hạn chế bởi quy hoạch vận tải

Không hạn chế số lượng

Thuế GTGT 10%

Không chịu thuế GTGT

Khi lái xe vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh thì ngoài xử phạt đối với lái xe còn xử phạt cả doanh nghiệp

Không xử phạt doanh nghiệp

 

3.      Về một vài điểm còn có ý kiến khác nhau

Đến nay, qua gần 3 năm với 6 lần chỉnh sửa Dự thảo Nghị định, rất nhiều cuộc họp, hội thảo, có sự thảo luận kỹ lưỡng của các doanh nghiệp, bộ, ngành và chuyên gia, báo chí…, Bộ GTVT đã thống nhất xác định loại hình kinh doanh như Grab hiện nay ở Việt Nam là kinh doanh vận tải hành khách taxi. Ứng dụng phần mềm để kết nối giữa hành khách và nhà vận tải chỉ thay thế bộ đàm, đồng hồ tính tiền và máy in hóa đơn chứ không làm thay đổi bản chất của loại hình kinh doanh vận tải. Hiện nay nhiều nước đang cấm Uber, Grab hoạt động kinh doanh, như: Tây Ban Nha, Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ (một số bang), Đức, Pháp, Nhật, Trung Quốc.... Tuy nhiên, dư luận xã hội và báo chí vẫn có những ý kiến khác nhau, Hiệp hội nhận thấy:

Về ý kiến cho rằng, Grab đưa công nghệ vào, chất lượng dịch vụ tốt, giá cước rẻ, có lợi cho người sử dụng dịch vụ cần phải ủng hộ. Việc này về phía Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, hiện nay kết nối giữa bên cung ứng dịch vụ, hàng hóa và người tiêu dùng đang rất phổ biến, các doanh nghiệp vận tải trong nước hiện đang áp dụng rất nhiều. Chất lượng dịch vụ của taxi truyền thống đã được nâng lên, nhiều doanh nghiệp cũng đã áp dụng phần mềm kết nối tiến bộ không thua kém của Grab như: Mai Linh, Vinasun, Group... Các vấn đề công khai giá cước và hành trình cũng đã được minh bạch. Còn về giá cước thấp, các khuyến mại người sử dụng dịch vụ của Grab được hưởng nhưng lại thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước (Cụ thể Vinasun với 6.000 xe kinh doanh taxi nộp ngân sách trong 3 năm trên 1.000 tỷ trong khi Grab với số lượng xe hoạt động trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh gấp 3 lần Vinasun chỉ nộp gần 10 tỷ). Điều đó có nghĩa Nhà nước và toàn dân đang chịu thiệt; nếu cứ để Grab kinh doanh như hiện nay thì taxi truyền thống sẽ bị loại khỏi thị trường trong thời gian ngắn và lúc đó sẽ là giai đoạn độc quyền của Grab. Như vậy, sẽ có hậu quả tiêu cực về lâu dài đối với người sử dụng dịch vụ và nền kinh tế.

Cũng có ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp vận tải cần cơ cấu lại, áp dụng công nghệ để cạnh tranh với Grab. Điều này là rất đúng nhưng chưa đủ, hiện các doanh nghiệp vận tải taxi trong nước cũng đang tích cực đổi mới nhưng hành lang pháp lý công bằng không được tạo ra để quản lý thống nhất giữa taxi truyền thống với Grab; Và nếu vẫn cạnh tranh không trên cùng trên một hành lang pháp lý thì taxi truyền thống không thể tồn tại.

Đương nhiên, Hiệp hội hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng kiến nghị cần rà soát để loại bỏ một số điều kiện kinh doanh không cần thiết khi đã áp dụng các tiến bộ về khoa học và công nghệ như: bộ đàm, đồng hồ tính tiền, máy in hóa đơn; sửa đổi niên hạn sử dụng phương tiện trong điều kiện kinh doanh taxi... để giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp kinh doanh taxi

Trên đây là những nội dung Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam xin được báo cáo và kính mong Ông chỉ đạo các cơ quan truyền thông thông tin, tuyên truyền đầy đủ, khách quan giúp cho việc sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86/NĐ-CP theo hướng cải cách hành chính tạo môi trường kinh doanh thuận lợi,bình đẳng.

Để có dịp được giải trình thêm ý kiến về các vấn đề nói trên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam xin phép Ông cho tham gia Hội nghị giao ban Báo chí toàn quốc tháng 11/2018

Một lần nữa xin được kính chúc Ông sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Trân trọng cảm ơn./.

Nơi nhận:

- Như trên;

- Bộ Giao thông vận tải (báo cáo);

- Website Hiệp hội;

- Lưu: VPHH.

TM. BAN THƯỜNG VỤ

CHỦ TỊCH

 

(đã ký)

 

 

Nguyễn Văn Quyền

 



facebook
Xem theo ngày: