Dự thảo: BÁO CÁO tại buổi làm việc giữa Thường trực Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Thứ Năm, 29/11/2018, 08:45

 

 HIỆP HỘI VẬN TẢI ÔTÔ

VIỆT NAM

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

DỰ THẢO

 

 

 

 

 

BÁO CÁO

tại buổi làm việc giữa Thường trực Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam 

với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

 

 

 

Kính gửi:

 

 

Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 552/QĐ/TCCB-LĐ ngày 22 tháng 3 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Quyết định số 197/TCCB-TC ngày 01 tháng 6 năm 1996 của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ), đến nay Hiệp hội đã tròn 22 năm hoạt động.

Tại Đại hội lần thứ Nhất tổ chức ngày 22 tháng 8 năm 1997, Hiệp hội mới có 73 doanh nghiệp hội viên, chủ yếu là doanh nghiệp Nhà nước, (chưa có Hiệp hội cơ sở) và 26 hội viên tư vấn là những cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành. Qua mỗi kỳ Đại hội số Hội viên được tăng lên. Đến nay Hiệp hội đã có: 58 Hiệp hội cơ sở cấp tỉnh, 2 Hiệp hội đặc thù và một chi hội trực thuộc, với hơn 1.500 hội viên bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động vận tải và các đơn vị liên quan đến hoạt động vận tải trên phạm vi toàn quốc. Hiệp hội có 4 văn phòng đại diện: Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Đắk Lắk và Cần Thơ; Tạp chí Vận tải ô tô và Báo Điện tử Đại Lộ.

Trong những năm qua, hoạt động của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã làm tròn chức năng là cầu nối giữa những hội viên những người hoạt động trong lĩnh vực vận tải ô tô trong cả nước với các cơ quan quản lý nhà nước. Thể hiện rõ nét nhất là việc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền vận động hội viên thực hiện tốt các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành; đồng thời thực hiện tốt việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; vận động các hội viên tham gia tích cực vào công tác đảm bảo an toàn giao thông; Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải góp phần tích cực vào phát triển ngành giao thông vận tải nói chung và vận tải đường bộ nói riêng.

Tháng 10 năm 2018 được sự chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Bộ nội vụ; Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ V nhiệm kỳ (2018 – 2023). Sau Đại hội, Thường trực Hiệp hội đã họp, phân công nhiệm vụ trong Thường trực Ban Chấp hành Hiệp hội, chuẩn bị nội dung cho kỳ họp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hiệp hội vào giữa tháng 12 năm 2018. Thường trực Hiệp hội xin báo cáo Bộ trưởng một số nội dung về kết quả của Đại hội V và xin đề xuất, kiến nghị với Bộ trưởng một số nội dung sau:


1. Đại hội đã tổng kết nhiệm kỳ IV, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ V với một số nội dung chính như sau:

1.1.  Vận động các hội viên tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đáp ứng thỏa mãn nhu cầu vận tải của toàn xã hội.

1.2.  Tham gia đầy đủ, trách nhiệm với cơ quan quản lý nhà nước trong việc sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách, Luật và các Nghị định - Thông tư liên quan đến ngành vận tải ô tô.

1.3.  Thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông góp phần giảm tai nạn giao thông. Tập trung giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do xe khách chạy đường dài và tổ hợp ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc gây ra.

1.4.  Phát triển hội viên, tích cực chủ động phối hợp với Sở Giao thông vận tải địa phương để thành lập Hiệp hội cơ sở ở những tỉnh, thành phố chưa có Hiệp hội. Đổi mới phương thức và nội dung sinh hoạt Hiệp hội.

1.5.  Thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được nhà nước giao.

1.6.  Kiện toàn cơ quan chuyên trách tại Hiệp hội Trung ương, các ban chuyên môn, các đơn vị trực thuộc, văn phòng đại diện các khu vực và các Hiệp hội cơ sở.

1.7.  Làm tốt các dịch vụ công, quản lý chặt chẽ việc nộp hội phí để bảo đảm nguồn tài chính phục vụ cho các hoạt động của Hiệp hội.

2. Bầu cơ quan lãnh đạo Hiệp hội.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ V gồm 70 ủy viên với cơ cấu hợp lý theo vùng miền và theo chuyên ngành là những người có tâm huyết với ngành vận tải và bầu ban kiểm tra nhiệm kỳ V gồm 3 đồng chí; Tại phiên họp lần thứ I Ban Chấp hành nhiệm kỳ V đã bầu 24 ủy viên Ban Thường vụ; Chủ tịch và 07 Phó Chủ tịch (có danh sách Ban Chấp hành; Chủ tịch và các Phó chủ tịch nhiệm kỳ V).

3. Đại hội thông qua 5 kiến nghị gửi đến các cấp lãnh đạo cụ thể là:

3.1. Quốc hội sớm ban hành Luật về Hội; Để Hiệp hội hoạt động đúng Luật pháp, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phù hợp với thông lệ Quốc tế và hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới.

3.2. Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ năm 2008, cho phù hợp với sự phát triển của ngành vận tải ô tô hiện nay.

3.3. Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ có liên quan kịp thời ban hành các Nghị định, Thông tư phù hợp với Luật mới. Trên tinh thần: Xóa bỏ những rào cản trong kinh doanh vận tải ô tô, giải quyết những điểm nóng về điều kiện kinh doanh của các loại hình vận tải khách. Xử lý dứt điểm vấn nạn xe chở quá tải trọng cho phép… Từ đó tạo môi trường kinh doanh lành mạnh: Mọi doanh nghiệp đều có cơ hội để kinh doanh và bình đẳng về trách nhiệm nghĩa vụ đóng góp cho sự phát triển của ngành vận tải ô tô.

3.4.  Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Giao thông vận tải và Sở Nội vụ giúp đỡ thành lập Hiệp hội cơ sở (địa phương chưa có Hiệp hội), đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho Hiệp hội cơ sở hoạt động đúng quy định của pháp luật và Điều lệ Hiệp hội.

3.5. Tổng Cục đường bộ Việt Nam và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thực hiện tốt Quy chế phối hợp để là hình mẫu cho các Sở Giao thông vận tải và các Hiệp hội địa phương thực hiện.

4. Trước mắt đề nghị Bộ trưởng quan tâm chỉ đạo, tiếp tục giải quyết các vấn đề sau:

4.1. Về quản lý kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi:

- Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhất trí quan điểm với Bộ Giao thông vận tải về xác định Grab đang kinh doanh ở Việt Nam là hình thức kinh doanh taxi. Công nghệ chỉ là 1 khâu, giải quyết kết nối giữa hành khách với bên vận tải. Ở đây Grab không hề kinh doanh về công nghệ mà dùng công nghệ phục vụ kinh doanh vận tải vì văn cứ cốt lõi và Grab đang là người quyết định giá cước, chính sách khuyến mãi.

- Việc quản lý kinh doanh taxi hiện nay có 3 loại: taxi truyền thống và taxi công nghệ và vừa truyền thống vừa công nghệ như vinasun, Mai Linh, G7 vì vậy điều kiện kinh doanh của 3 loại này cũng có phải quy định phù hợp.

- Về quản lý giá cước cần tiếp tục quan tâm, dù là taxi công nghệ thì cũng cần có quy định: về quản lý giá cước; chỉ người kinh doanh vận tải mới có quyền điều chỉnh giá cước; chính sách khuyến mãi và điều chỉnh tăng giá cước theo quan hệ cung cầu (vào giờ cao điểm; thời tiết bất thường).

4.2. Về quản lý xe hợp đồng: Hiệp hội nhất trí chủ trương cần tăng cường quản lý xe hợp đồng. Hiện cũng đang có mâu thuẫn giữ xe hợp đồng và xe tuyến cố định. Vì xe hợp đồng đang cạnh tranh không bình đẳng trong cùng phân khúc thị trường với xe tuyến cố định. Nên cần nghiên cứu giải pháp quản lý đảm bảo 2 lực lượng này; đảm bảo trật tự an toàn giao thông đô thị và bình đẳng trong kinh doanh.

4.3. Về quản lý vận tải hàng hóa:

- Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa và logistics đề nghị Chính phủ có Nghị định hướng dẫn thực hiện Khoản 3 Điều 73 Luật Giao thông đường bộ 2008 về giới hạn trách nhiệm của người kinh doanh vận tải hàng hóa.

- Đề nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc kiểm soát tải trọng phương tiện theo hướng đổi mới, hiện đại, xây dựng cơ chế để xử phạt nguội…

- Đề nghị Bộ Giao thông vận tải có tổng kết, đánh giá về vận tải hàng nguy hiểm theo quy định tại Nghị định 104/NĐ-CP và sửa đổi bổ sung để đáp ứng yêu cầu an toàn trong quá trình vận tải.

4.4. Về quản lý người lái xe:

Hiện các doanh nghiệp vận tải đang khó khăn trong tuyển dụng và quản lý người lái xe do tính chất rủi ro của nghề nghiệp; Một số trường hợp lái xe không tuân thủ hợp đồng lao động, khi có tai nạn hoặc mất mát, hư hỏng hàng hóa là bỏ đơn vị không đến để phối hợp giải quyết. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị:

-              Bộ Giao thông vận tải có chủ trương định kỳ biểu dương, khen thưởng các lái xe lâu năm an toàn; có nhiều đóng góp cho ngành vận tải; gương mẫu về chấp hành Luật Giao thông đường bộ, xây dựng văn hóa giao thông.

-              Giao cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu người lái xe toàn quốc; để theo dõi, cập nhật quá trình làm việc của lái xe ở các doanh nghiệp, chấp hành Luật GTĐB; tai nạn giao thông… làm cơ sở quản lý và căn cứ để các doanh nghiệp xem xét khi tuyển dụng lái xe.

-              Tuyên truyền và giảm bớt điều kiện học nâng hạng lái xe lên Fc, E vì hiện nay đang thiếu lực lượng lái xe này.

5. Về quản lý các bến xe: Hiện có tình trạng các bến xe khách ở nhiều tỉnh, thành phố bị giải tỏa, di dời; giành đất cho xây dựng khu đô thị, thương mại; tính ổn định về vị trí thấp; vai trò kết nối của bến xe không được tính đến một cách đầy đủ khi quy hoạch bến xe; Hiệu suất sử dụng đất của bến xe thấp…. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị:

-              Bộ có văn bản gửi các địa phương về quy hoạch, xây dựng bến xe cần ổn định lâu dài; chú ý vai trò đầu mối kết nối các phương thức vận tải và kết nối vận tải ô tô đường dài với xe buýt, taxi; Trường hợp bắt buộc phải di chuyển bến xe thì đất bến xe phải dành cho giao thông tĩnh, điểm trung chuyển và logistics; không chuyển đất bến xe sang mục đích khác vì sẽ làm giảm tỷ lệ đất dành cho giao thông ở các đô thị vốn đang rất thấp hiện nay.

-              Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đề nghị Bộ nghiên cứu cho thí điểm xây dựng một số bến xe cao tầng ở các đô thị (như Trung Quốc, Nhật Bản) đã làm; Tầng 1 dành cho xe đến bến; tầng 2 khách chờ đi xe, xe nhận khách xuất bến; các tầng trên làm văn phòng, Thương mại, dịch vụ.

 

 

 



facebook
Xem theo ngày: